3/5/08

Hịch tướng sĩ


Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (陳興道) là danh tướng thời nhà Trần và cũng là danh tướng trong lịch sử Việt Nam, có công lớn trong hai lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Ông là tác giả của bộ "Binh thư yếu lược" (hay "Binh gia diệu lý yếu lược"), Hịch tướng sĩ và "Vạn Kiếp tông bí truyền thư" (đã thất lạc). Ông còn được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh, nên còn được gọi là Đức thánh Trần.

Sau ngày 29/4, gặp TOBE, bạn khuyên nên đọc lại Hịch tướng sĩ, đọc xong thấy thẹn với Đức Thánh Trần.

Cầu xin liệt tổ liệt tông tha thứ...

Hịch tướng sĩ (Ngô Tất Tố dịch):

Ta thường nghe:
Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế;
Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương;
Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ;
Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước.
Kính Đức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung;
Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc.
Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có?
Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình
Thì cũng đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách
Cùng trời đất muôn đời bất hủ được?

Các ngươi
Vốn dòng võ tướng, không hiểu văn nghĩa,
Nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ.
Thôi việc đời trước hẵng tạm không bàn.
Nay ta lấy chuyện Tống, Nguyên mà nói:
Vương Công Kiên là người thế nào?
Nguyễn Văn Lập, tỳ tướng của ông lại là người thế nào?
Vậy mà đem thành Điếu Ngư nhỏ tày cái đấu
Đương đầu với quân Mông Kha đường đường trăm vạn,
Khiến cho sinh linh nhà Tống đến nay còn đội ơn sâu!
Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào?
Xích Tu Tư tỳ tướng của ông lại là người thế nào?
Vậy mà xông vào chốn lam chướng xa xôi muôn dặm đánh quỵ quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần,
Khiến cho quân trưởng người Thát đến nay còn lưu tiếng tốt!
Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc,
Lớn lên gặp buổi gian nan.
Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường,
Uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình;
Đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ.
Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng;
Khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn.
Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau.


Ta thường
Tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối,
Ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa;
Chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù;
Dẫu cho
Trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ,
Nghìn thây ta bọc trong da ngựa,
Cũng nguyện xin làm.

Các ngươi
Ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền,
Không có mặc thì ta cho áo;
Không có ăn thì ta cho cơm.
Quan thấp thì ta thăng tước;
Lộc ít thì ta cấp lương.
Đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa.
Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết;
Được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười.
So với
Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì?

Nay các ngươi
Ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo;
Thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn.
Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức;
Nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm.
Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích.
Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình;
Có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ.
Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước;
Có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân.
Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm.
Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang
Thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc;
Mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh.
Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng;
Vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc.
Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc;
Chó săn tuy hay không đuổi được quân thù.
Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết;
Giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai.
Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào!
Chẳng những thái ấp của ta không còn
Mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác;
Chẳng những gia quyến của ta bị đuổi
Mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi;
Chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo
Mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào;
Chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu,
Mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận.
Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích,
Phỏng có được chăng?

Nay ta bảo thật các ngươi:
Nên lấy việc "đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ" làm nguy;
Nên lấy điều "kiềng canh nóng mà thổi rau nguội" làm sợ.
Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên,
Khiến cho
Ai nấy đều giỏi như Bàng Mông,
Nọi người đều tài như Hậu Nghệ,
Có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết,
Làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai.
Như thế chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền
Mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng;
Chẳng những gia thuộc ta được ấm êm giường nệm,
Mà vợ con các ngươi cũng trăm tuổi sum vầy;
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng;
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí,
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm;
Chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một,
Mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui chơi,
Phỏng có được không?

Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh Thư Yếu Lược.
Nếu các ngươi
Biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử;
Nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù.

Vì sao vậy?
Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung,
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ,
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc.
Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc,
Để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?

Cho nên ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ bụng ta.

Nguồn: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=4025

30/4/08

Hình ảnh cổ động rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 tại Việt Nam

Khoảng 17g, ngày 29/4/2008, khá đông người trong & ngoài nước tập trung tại bùng binh Nguyễn Huệ (ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ) để xem lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008.

VN huy động dày đặc lực lượng Công an, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Quân đội, Giao thông công chánh, Bảo vệ du lịch, Thành đoàn, Dân phòng... để bảo vệ ngọn đuốc.

Hàng rào bao quanh lễ đài nhằm ngăn chận bọn "phản động" phá rối buổi rước đuốc Olympic.

Mặc dầu du khách đã đặt phòng trước tại Continental Hotel nhưng vẫn không được băng qua khu vực lễ đài.

Công dân Trung Quốc tụ tập trước Rex Hotel ngày càng đông.

Công dân Trung Quốc hiên ngang trước tượng đài cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau một hồi trao đổi, số du khách này vẫn không được vào bên trong lễ đài.

Khán đài làm lễ xuất phát đuốc đặt trước Nhà hát TP, những ai được vào đã có chọn lọc từ trước.

Gần đến giờ xuất phát đuốc, công dân TQ tập trung càng đông trước chung cư Eden.

Lực lượng "hô khẩu hiệu" đang tiến vào lễ đài.

Xe của nhà tài trợ Cocacola.

Xe của nhà tài trợ SamSung.

Các công dân Trung Quốc nhảy múa trước Rex Hotel...

... và trước tượng đài cố Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một thanh niên VN chọn cờ TQ làm hậu cảnh để chụp hình lưu niệm!?!

Cờ Trung Quốc tung bay trước Thương xá Tax.

Tôi đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ! (Trần Dần)

Ngôi nhà Việt Nam của quý khách hay của Trung Quốc?

_______________

Đất nước này của Trung Quốc rồi ư?

Có bác không nhìn thấy cờ VN, vội bảo: "nhục, nhục quá!"

Nhưng Cu tè thấy bình thường, có gì nhục đâu, các bác nhỉ?

29/4/08 là ngày của Trung Quốc mà! Vả lại, chúng ta là người Việt nên phân biệt được cờ của "ta" và cờ của TQ, chứ Tây "đui" làm sao họ phân biệt được, họ thấy có nền đỏ, sao vàng là ok rồi, phải không các bác?

Còn ý kiến của các bạn?

27/4/08

Căn cứ tàu ngầm hạt nhân mới ở Hải Nam?



Căn cứ tàu ngầm hạt nhân Tam Á của Trung Quốc trên đảo Hải Nam

Tạp chí chuyên tin tức quốc phòng, Jane’s Defence, mới đây trích các nguồn tình báo nói rằng Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân ở Tam Á nhằm kiểm soát vùng biển Nam Trung Hoa.

Báo Úc trích nguồn từ tạp chí uy tín này viết rằng: “Ở vị trí chỉ cách bờ biển Việt Nam 200 km, tầm vóc công trình đang xây dựng nhìn thấy qua không ảnh DigitalGlobe chỉ ra rằng Ngọc Lâm (Yulin) sẽ trở thành một căn cứ trọng yếu cho các hàng không mẫu hạm và tàu ngầm”.

Nguồn tin mà tạp chí Jane’s Defence xác tín nói tháng 12 năm ngoái, một tàu ngầm hạt nhân thế hệ hai hạng 094 chở tên lửa đạn đạo đã được Trung Quốc đưa đến căn cứ này.

Trung Quốc không hề giải thích trước công luận về các công trình xây dựng, mở rộng ở căn cứ trên đảo Hải Nam này cũng như ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Bình luận về diễn biến này, báo Úc The Australian hôm 24.04.2008 viết một cách mỉa mai rằng Tam Á lại chính là nơi được tổ chức thi hoa hậu hoàn vũ nhiều lần và cũng là nơi thủ tướng Kevin Rudd gặp chủ tịch Hồ Cẩm Đào chưa đầy hai tuần trước.

Tạp chí Jane’s Defence nêu ra những lo ngại về an ninh khu vực kể từ khi có tin Trung Quốc xây dựng căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân từ năm năm về trước.

Nay thì sự việc được xác nhận và trong bài “Bí mật Tam Á - Tiết lộ về căn cứ hải quân hạt nhân mới của Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Richard D Fisher đưa ra các điểm chính như sau:

“Căn cứ Tam Á có thể dùng để làm bến đỗ cho tàu ngầm hạt nhân loại mới 094 được phát triển song song với sự bành trượ́ng quân sự trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

“Dù điều này không chứng tỏ sẽ có một cuộc xung đột trong vùng, căn cứ Tam Á là dấu hiện rõ ràng hơn về việc chuyển biến cán cân chiến lược ở châu Á và cho thấy mong muốn của Trung Quốc nhằm nắm những tuyến hải lộ ở vùng biển Nam Trung Hoa”.

Đầu năm 2008, Trung Quốc công bố con số chi cho quốc phòng trong vòng một năm tới là 59 tỷ đôla nhưng giới phân tích Hoa Kỳ tin rằng chỉ trong năm 2007, Trung Quốc chi cho mục tiêu quân sự từ 97 đến 139 tỷ đôla.

Các căn cứ và mục tiêu

Tạp chí Jane’s Defence cũng nhìn lại quá trình tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc từ 1974, khi họ chiếm Hoàng Sa từ tay hải quân Nam Việt Nam, qua các vụ đụng độ trên biển với Việt Nam năm 1988, vụ chiếm đảo Mischief năm 1995 cho đến nay.







 src=
 src=
Ảnh vệ tinh chụp căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa
Đến những năm 2004/2005, các nguồn tin châu Á và cả từ Trung Quốc đã cho hay về kế hoạch xây căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam với mục tiêu chứa được tới tám tà̉u ngầm.

Tuy thế, nguồn tin từ giới quân sự Trung Quốc năm 2004 không nói chi tiết về việc xây cất. Đến tháng Tám 2005, ảnh vệ tinh cho thấy phần đầu của công trình được tiến hành, gồm một bến đỗ, hai cầu cảng, một số đường hầm và lối vào cho tàu ngầm.

Nhưng các ảnh vệ tinh 17.12.2007 và 28.02.2008 đã cho thấy có một tàu ngầm Type 094 trong bến.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cũng hoàn tất một bến đỗ 800 mét, đủ sức vào các tên lửa đạn đạo loại phóng đi từ tàu ngầm, cũng như có khả năng sửa chữa các tàu lớn, chuyển phương tiện nặng cùng quân lính lên hàng không mẫu hạm và các tàu liên hợp thủy bộ.

Bên cạnh đó người ta cũng xác định được những phần xây cất cho mục tiêu hậu cần, bộ chỉ huy và doanh trại.

Hiện quân đội Trung Quốc có 57 tàu ngầm, trong đó năm chiếc có động cơ hạt nhân.

Theo báo The Australian, nhiều tàu ngầm của Trung Quốc có hỏa tiễn chống tàu chiến Yingji-8 có thể phóng được cả khi đang lặn dưới mặt nước.

Vụ chiếc tàu Song S20, đóng ở Vũ Hán, có động cơ diesel rất im tiếng của Đức đột nhiên xuất hiện giữa hạm đội Hoa Kỳ không xa đảo Okimawa của Nhật 18 tháng trước cho thấy khả năng của tàu ngầm Trung Quốc.

Củng cố cơ sở


Jane’s Defence cũng nói đến việc tăng cường xây cất ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuối thập niên 1990, Trung Quốc được nói đã có một đường băng 2600 mét ở đảo Woody, Hoàng Sa có khả năng đón phi cơ ném bom. Các ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đã có thêm một cầu cảng 350 mét để đón tàu chiến và các tháp sử dụng vào cho thông tin vệ tinh và radar.

Các nguồn chưa được kiểm chứng cũng nói Trung Quốc duy trì căn cứ thu thập tin tình báo ở đảo Rocky, phía Bắc của Woody.

Ảnh vệ tinh tháng 12.2007 cho thấy ở đảo Fiery Cross, quần đảo Trường Sa Trung Quốc đã có một công trình 116x90 mét và một điểm 34x34 mét có thể cho trực thăng hạng Change Z-8 hạ cánh. Phần xây cất lớn hơn có thể dùng vào việc sử dụng tàu chiến và tên lửa đạn đạo.

Theo báo Úc, ngoài các nước ASEAN thì việc tăng cường hải quân của Trung Quốc là để tạo khả năng bao vây Đài Loan và kiểm soát Biển Đông.

Riêng với các nước như Việt Nam và Philippines, Jane’s Defence nhận định dù việc thỏa thuận ba bên với Trung Quốc nhằm cùng phát triển vùng Nam Trung Hoa (Biển Đông) có làm giảm đi khả năng xung đột nhưng “nhìn từ góc độ khu vực và ngoài khu vực, khó có thể coi thường việc Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ hải quân lớn tại Tam Á.”

Hơn nữa, tạp chí này viết: “Trung Quốc có thể đang chuẩn bị biến đây thành nơi chứa một phần lớn kho vũ khí hạt nhân của họ, và thậm chí có thể dùng chúng từ nơi này.”

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/04/080424_chinanuclea...

25/4/08

Trục xuất người "phá hoại" rước đuốc!?!

Báo chí Việt Nam cho hay một Việt kiều Mỹ vừa bị trục xuất vì có kế hoạch "phá hoại cuộc rước đuốc" ngày 29/4.

Ông Vương Hoàng Minh, 41 tuổi, được nói là đảng viên đảng Dân chủ nhân dân của người Việt tại hải ngoại.

Báo Công an Nhân dân nói ông đã chuẩn bị sẵn áo thun, biểu ngữ với 'nội dung xuyên tạc, kích động phá hoại' để biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở TP HCM.

Theo báo này, ông Minh cũng có kế hoạch 'trà trộn vào dòng người ủng hộ cuộc rước đuốc để 'tìm cách cướp đuốc'.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ Nhân dân đã bác bỏ cáo buộc này. Ông Đỗ Thành Công là phát ngôn nhân của đảng nói với đài BBC từ Hoa Kỳ:

"Chi tiết đó hoàn toàn sai sự thật và có tính chất vu khống. Cá nhân anh Minh và đảng Dân chủ Nhân dân không có chủ trương cướp ngọn đuốc."

"Chúng tôi chỉ chủ trương tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà thôi."

Thắt chặt an ninh

Được biết ông Vương Hoàng Minh là kỹ sư hóa chất, cư ngụ tại tiểu bang California, có vợ và một con.

Ông đã về VN thăm thân nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên về với tư cách đảng viên đảng Dân chủ Nhân dân.

Chỉ còn vài ngày nữa là lễ rước đuốc Thế Vận hội Bắc Kinh 2008 sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Các nguồn tin cho hay an ninh đang được tăng cường trong thành phố. Nhiều nhân vật từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây đã được cảnh báo không nên có hành động phản đối việc rước đuốc.

Cuối tuần trước, một nhà báo tự do từng lưu truyền nhiều bài viết trên internet về đề tài này, ông Hoàng Hải, tức blogger Điếu Cày, đã bị bắt vì tội trốn thuế. Việc bắt giữ ông được nhiều người nhìn nhận như hành động trấn áp chống đối trước cuộc rước đuốc.

Thủ tướng Việt Nam đã chỉ thị phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho việc rước đuốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, người vừa có chuyến thăm hai ngày tới Hà Nội, cũng đã bàn với chính phủ Việt Nam về việc này.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/04/080425_torch_activist_deported.shtml

20/4/08

Tin từ buổi nói chuyện với Bộ Công an (VP tại TP. HCM)

Chiều hôm nay, ngày 18 tháng 4, anh Minh từ Bộ Công an đã gọi điện mời tôi (Lê Minh Phiếu) lên để làm việc về lá thư mà tôi đã gửi cho ông Chủ tich Ủy ban Olympic Quốc tế.

Nội dung chính:

- Bộ Công an cảm ơn về lá thư của tôi đã cung cấp những chứng cứ về thực tế và pháp lý cho sự vi phạm của Trung Quốc;

- Bộ Công an nói là Nhà nước sẽ lên tiếng phản đối về vấn đề này, nếu không bằng cách này thì sẽ bằng cách khác;

- Tôi có nhờ Bộ Công an liên lạc với các cơ quan của Nhà nước Việt Nam để nhờ các cơ quan này chuyển lá thư đó cho OIC với tư cách Nhà nước để tăng sự lưu tâm của OIC. Bộ Công an đã đồng ý;

- Bộ Công an đề nghị tôi tiếp tục theo dõi phản ứng của OIC và nếu cần, viết thư nhắc OIC lưu tâm.

Nguồn: http://blog.360.yahoo.com/blog-UHzTMyU9fquQ3KuMrYpCZ8qXtg--?cq=1




Thư gửi Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế

Thư gửi Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế

Lê Minh Phiếu

Một người rước đuốc Olympic 2008

Nghiên cứu sinh tại Trung tâm Tư liệu và Nghiên cứu Châu Âu và Quốc tế

Trường Cao học Luật, Đại học Montesquieu – Bordeaux IV

Avenue Léon Duguit, 33600 Pessac, Cộng hòa Pháp

Bordeaux, ngày 7 tháng 4 năm 2008

Ủy ban Olympic Quốc tế

Château de Vidy

1007 Lausanne

Thụy Sĩ

Attn : Bá tước Jacques Rogge

Chủ tịch

Về việc: Đề nghị phi chính trị hóa Olympic Bắc Kinh 2008

Kính thưa Ngài Chủ tịch,

Trước hết, tôi rất vui mừng và vinh dự thông báo với Ngài rằng, tôi sẽ là một trong số 60 người Việt Nam sẽ rước ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 đi qua Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29 tháng 4 năm 2008 sắp tới.

Thưa Ngài, khi được biết tôi đã được chọn để cầm ngọn đuốc Olympic – biểu trưng cho tinh thần thượng võ, cho hòa bình và đoàn kết giữa các dân tộc trên toàn thế giới - lần đầu tiên qua Việt Nam, tôi đã rất vui mừng và tự hào. Thế nhưng, sau khi xem kỹ các bản đồ rước đuốc trên trang web chính thức của Olympic 2008, tôi nhận thấy rằng ngọn đuốc mà tôi sẽ rước không còn là ngọn đuốc của một Olympic trong sáng, mà đã bị chính trị hóa bởi Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008.

Trong quá trình phát triển của lịch sử, Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Khi đất nước Việt Nam bị chia cắt làm hai miền bởi vĩ tuyến 17 theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, vì quần đảo này nằm ở phía Nam của vĩ tuyến 17 nên thuộc miền Nam Việt Nam và sau đó thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, theo nguyên tắc kế thừa của các Nhà nước trong luật quốc tế, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có toàn chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thế nhưng, vào năm 1974, Trung Quốc đã mang quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Toàn bộ lực lượng quân đội của Việt Nam Cộng hòa canh giữ quần đảo này đã bị quân đội Trung Quốc giết sạch. Kể từ đó đến nay, Nhà nước Việt Nam Cộng hòa và sau đó là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn yêu cầu Trung Quốc trao trả quần đảo Hoàng Sa lại cho Việt Nam.

Thế nhưng, Trung Quốc chẳng những ngang nhiên không trao trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam, mà càng ngày càng có những hành động thách thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Trung Quốc đã xây dựng sân bay trên quần đảo Hoàng Sa, mở tuyến du lịch đến quần đảo và mới đây thành lập thành phố Tam Sa để quản lý quần đảo này. Trung Quốc càng ngày càng có nhiều biện pháp để chứng tỏ rằng họ có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa – một quần đảo mà họ đã xâm lược của Việt Nam kể từ năm 1974.

Và ngay cả trong lần đăng cai tổ chức Olympic và Paralympic vào năm 2008 này, Trung Quốc cũng không bỏ lỡ cơ hội để chính trị hóa Olympic và Paralympic, lợi dụng việc đăng cai Olympic và Paralympic để, thông qua trang web chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008, đánh lừa với thế giới rằng họ có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa – một quần đảo mà Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Tôi xin chứng minh với Ngài bằng những dẫn chứng sau:

1. Trên bản đồ rước đuốc Olympic (Phụ lục 1 kèm theo thư này) và bản đồ rước đuốc Paralympic (Phụ lục 2 kèm theo thư này), quần đảo Hoàng Sa được cố tình thể hiện như một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Nhìn vào bản đồ có thể thấy tất cả các tỉnh, khu vực và thành phố của Trung Quốc được thể hiện bằng sắc màu chuyển dần từ tối sang sáng theo chiều từ trên xuống dưới. Các hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa (được cố tình phóng to lên trong hình chữ nhật) cũng được thể hiện với kỹ thuật màu sắc như vậy. Thế nhưng các lãnh thổ khác không thuộc chủ quyền của Trung Quốc không dùng kỹ thuật thể hiện màu sắc tương tự như thế.

Trên thế giới có hàng nghìn hòn đảo và chúng chỉ được thể hiện bởi những dấu chấm nhỏ trên những bản đồ có tỷ lệ xích như vậy. Trên hai bản đồ này có nhiều hòn đảo thậm chí không được thể hiện bằng dấu chấm. Vì vậy, không có một lý do phi chính trị nào có thể được tìm thấy để giải thích tại sao chỉ có duy nhất quần đảo Hoàng Sa được vẽ với tỷ lệ xích lớn hơn tỷ lệ xích của bản đồ và được phóng to trong hình chữ nhật như vậy.

2. Trong bản đồ vẽ cụ thể hành trình cụ thể của ngọn đuốc Olympic trong lãnh thổ Trung Quốc (Phụ lục 3 đính kèm lá thư này), quần đảo Hoàng Sa cũng được phóng lớn lên một cách không thể biện minh được và chỉ có duy nhất các hòn đảo thuộc quần đảo này trong số tất cả các đảo tồn tại trên toàn thế giới được phóng lớn lên như vậy. Quần đảo Hoàng Sa được vẽ với tỉ lệ xích lớn hơn tỷ lệ xích của tất cả các nơi khác và được để trong khung hình chữ nhật. Khung hình chữ nhật này, khi được nhấp chuột vào lại được phóng lớn hơn nữa, chứa đựng bản đồ của quần đảo Hoàng Sa và dòng chữ « South China Sea Islands ».

Nếu như Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 không muốn chính trị hóa Olympic và Paralympic, không muốn lợi dụng trang web chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008 để ám thị với thế giới rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, thì tại sao bản đồ rước đuốc Olympic lại có những thể hiện như vừa nêu trên ?

Theo quy tắc thứ 51 có tựa đề « Quảng cáo, Thể hiện, Tuyên truyền » của Hiến chương Olympic có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 7 năm 2007 (tại địa chỉ http://multimedia.olympic.org/pdf/fr_report_122.pdf), « Không có bất kỳ hình thức thể hiện hay tuyên truyền về chính trị, tôn giáo hay chủng tộc nào được phép trong một nơi, một vị trí (site) hay địa điểm khác của Olympic »

Trong một phát biểu của Ngài trên đài phát thanh France 24, Ngài cũng đã viện dẫn quy tắc trên và cho rằng, bất cứ vận động viên nào lợi dụng Olympic Bắc Kinh để làm diễn đàn chính trị sẽ bị trừng phạt.

Trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Anh Margaret Beckett vào ngày 18/5/2007, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng chỉ trích việc chính trị hóa Olympic Bắc Kinh 2008.

Như vậy, việc phi chính trị hóa Olympic chẳng những được Hiến chương Olympic ghi nhận, mà cũng được viện dẫn bởi Ngài - người đứng đầu của Ủy ban Olympic Quốc tế, và Ngoại trưởng Trung Quốc.

Thế nhưng, nghĩa vụ phi chính trị hóa Olympic không thể loại trừ Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008. Vì vậy, việc Ban Tổ chức Olympic dùng website của mình để chính trị hóa, để tuyên truyền cho những mục đích chính trị như đã phân tích trên đây là trái với tinh thần thể thao Olympic, trái với tinh thần mà Ngài và Ngoại trưởng Trung Quốc đã phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là đã vi phạm những quy định của Hiến chương Olympic.

Theo quy định tại quy tắc 2 của Hiến chương Olympic (Nhiệm vụ và vai trò của Ủy ban Olympic Quốc tế) và quy tắc 36. 3 (thành phần của Cơ quan Điều hành của Ban Tổ chức Olympic), Ủy ban Olympic Quốc tế mà người đứng đầu là Ngài phải chịu một phần trách nhiệm liên quan đến việc chính trị hóa trên.

Vì thế, bằng thư này, tôi đề nghị Ngài phải có những biện pháp can thiệp nhằm chấm dứt sự chính trị hóa nói trên, bằng việc đề nghị Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 thực hiện những biện pháp cụ thể bao gồm, nhưng không giới hạn, biện pháp sau :

- Xóa các nét hình họa nhằm ám thị về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa trên tất cả các bản đồ đăng trên trang web chính thức của Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008.

Với thiện chí của mình, tôi tin rằng, việc thực hiện đề nghị trên của tôi là một dấu hiệu rõ ràng về thái độ phi chính trị hóa một cách thực sự của Ủy ban Olympic Quốc tế, của Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh và của Chính phủ Trung Quốc. Ngược lại, chừng nào trên Bản đồ Rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 và Bản đồ Rước đuốc Paralympic còn có những dấu hiệu chính trị hóa như đã nêu trên thì chừng đó, những quy tắc của Hiến chương Olympic còn bị vi phạm và tất cả những lời kêu gọi phi chính trị hóa trong tình hình chính trị đầy sóng gió cho Olympic Bắc Kinh như hiện nay sẽ không thể nào đủ sức thuyết phục.

Vì sự minh bạch, tôi xin phép được thông báo với Ngài rằng lá thư này sẽ được sao chép và cùng chuyển cho các cơ quan truyền thông trên thế giới và công bố trước công chúng. Xin Ngài lưu ý rằng không chỉ tôi, mà còn các phương tiện thông tin đại chúng và công chúng đang theo dõi trả lời và phản ứng của Ngài. Tôi cũng xin khẳng định rằng tất cả những gì được viết trong lá thư này là thể hiện quan điểm của riêng cá nhân tôi, không thể hiện quan điểm của bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức hay chính phủ nào của bất cứ quốc gia nào.

Trong khi chờ đợi sự hồi âm và hành động của Ngài, tôi xin gửi đến Ngài những lời chào trân trọng.

Lê Minh Phiếu




Phụ lục 1

Bản đồ rước đuốc Olympic 2008 được đăng trên trang web chính thức của Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008

(Nguồn: http://torchrelay.beijing2008.cn/en/journey/map/)

Photobucket



Phụ lục 2

Bản đồ rước đuốc Paralympic 2008 được đăng trên trang web chính thức của Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008

(Nguồn: http://torchrelay.beijing2008.cn/en/journey/map2/)

Photobucket


Phụ lục 3

Bản đồ rước đuốc Olympic 2008 (phóng to) được đăng trên trang web chính thức của Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008

(Nguồn: http://torchrelay.beijing2008.cn/en/journey/map/)

Photobucket

Nguồn: http://blog.360.yahoo.com/blog-UHzTMyU9fquQ3KuMrYpCZ8qXtg--?cq=1&p=1833

27/3/08

Hình ảnh của buổi lễ châm lửa thế vận đầy kịch tính ở Olympia, Hy Lạp




Vào ngày 24/3/2008, tại Olympia, Hy Lạp, trong lúc ông Liu Qi - chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Bắc Kinh - đọc diễn văn thì có hai thanh niên Hy Lạp chạy ra giăng cờ màu đen có huy hiệu 5 chiếc còng sắt biểu hiệu cho chế độ độc tài của TQ nhưng bị cảnh sát Hy Lạp dẫn đi. Được biết, đây là các thành viên của Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Sans Frontieres) có trụ sở ở Pháp.

Nguồn: http://www.welt.de/politik/article1832518/China_zensiert_die_olympische_Zerem...

Mời các bác xem video buổi lễ và đoạn chạy đầu tiên:

http://www.youtube.com/watch?v=i3sffwdvqvs

__________

Thân gửi các bạn Sinh viên Học sinh đang ở trong nước,

Dầu TQ không rước đuốc qua TSHS thì ý nghĩa cuộc xuống đường biểu tình ngày 29/4/2008 cũng không thay đổi. Chúng ta không thể làm ngơ để kẻ chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa ung dung rước đuốc trên quê hương của chúng ta. Các bạn hãy xem sự dũng cảm của những thanh niên Hy Lạp để nung đúc ngọn lửa căm hờn cho ngày biểu tình sắp đến.

__________