Các dân biểu châu Âu nói họ đánh giá cao phương pháp bất bạo động của Hoà thượng Thích Quảng Độ để đạt mục tiêu dân chủ, nhân quyền và tự tôn giáo ở Việt Nam.
Cuối tuần qua, thời hạn tiếp nhận các đơn đề cử cho các ứng cử viên giải Nobel Hoà bình 2008 vừa kết thúc.
'Xứng đáng'
Đáng chú ý, 60 nghị sĩ quốc hội châu Âu từ các nước như Pháp, Anh và Ba Lan thống nhất đề cử hoà thượng Thích Quảng Độ.
Dân biểu châu Âu Charles Tannock, thuộc Đảng Bảo thủ Anh, cho BBC biết vì sao ông ủng hộ ứng viên Thích Quảng Độ:
"Ông đã dành cả cuộc đời tranh đấu bất bạo động cho công lý, hoà bình và quyền con người ở Việt Nam. Ông chịu đựng việc bị bỏ tù trong hơn 30 năm qua cho các giá trị kể trên."
|
Dân biểu Tannock nói đối với ông, Hòa thượng Thích Quảng Độ là "ứng cử viên hoàn toàn xứng đáng".
Ông Võ Văn Ái, từ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris, đồng thời là người phát ngôn cho Hoà thượng Thích Quảng Độ, cho rằng trong hai, ba năm qua, Ủy ban Nobel không chú ý đến những người đấu tranh dân chủ như trước đây.
"Gần đây họ chú ý hơn đến những nhà hoạt động xã hội hay môi trường. Vì vậy năm ngoái ông Al Gore nhận được giải này. Năm nay, chúng tôi hy vọng giải Nobel Hòa bình sẽ quan tâm đến những người hoạt động vì dân chủ."
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được Nhà nước Việt Nam công nhận.
Chính phủ Việt Nam từ trước tới nay vẫn cho rằng Việt Nam luôn tôn trọng dân chủ và tự do tôn giáo.
Thế nhưng Dân biểu châu Âu Charles Tannock từ nước Anh cho rằng ở Việt Nam các lĩnh vực trên vẫn còn rất nhiều hạn chế và do đó việc Hoà thượng Thích Quảng Độ được đề cử năm nay có ý nghĩa rất lớn và sẽ có tác động mạnh đến chính phủ Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét